Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Khi đảng viên “gánh” hộ nghèo (1)

15:17 - Thứ Sáu, 13/10/2023 Lượt xem: 3019 In bài viết

ĐBP - Giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trên địa bàn huyện Điện Biên nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phát huy vai trò nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bằng giải pháp phân công phụ trách hộ, nhóm hộ nghèo.

Bài 1: Những người “dẫn đường” ở Pom Mỏ Thổ

Pom Mỏ Thổ - bản nghèo giáp biên giới của xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Tày, Nùng chiếm hơn 70%. Nhiều năm trước, Pom Mỏ Thổ được xem là “vùng lõm” trong xóa đói giảm nghèo của xã, của huyện. Song, giờ Pom Mỏ Thổ lại được nhắc đến như một “điểm sáng” về công tác này, nhờ có những người “dẫn đường” đặc biệt.

Coi việc dân như việc nhà mình

Đã hơn 1 năm nay, mỗi ngày mới của bà Nông Thị Sâm đều bắt đầu bằng việc lùa 2 con bò ra đồng. Đến gần trưa, khi bụng bò căng tròn, bà Sâm mới dắt chúng về chuồng. Ngắm nghía “khối tài sản” lớn nhất của gia đình, đôi mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc. Từ ngày về sống chung với ông Hứa Văn Khèn, rồi lần lượt sinh ra 3 người con, bà chưa từng “sở hữu” thứ gì đáng giá tiền triệu, nói gì đến cả con bò vài chục triệu đồng. 

Theo lời bà Sâm kể, thì niềm hạnh phúc này có được là nhờ đảng viên Nông Văn Thuấn. “Năm 2022 gia đình tôi được anh Thuấn đồng hành, giúp đỡ. Ban đầu, anh kết nối các chương trình để hỗ trợ gia đình 1 con bò giống nuôi theo hình thức luân chuyển. Sau hơn 1 năm chăm sóc, dưới sự theo sát, hướng dẫn của anh Thuấn thì bò không những sinh trưởng tốt mà còn đẻ được 2 lứa. Tôi đã luân chuyển 1 con sang cho nhà khác, giờ còn lại 2 con thuộc quyền sở hữu của gia đình rồi!” - bà Sâm phấn khởi khoe.

Từ 1 con bò giống được hỗ trợ theo hình thức nuôi luân chuyển, nhờ chịu khó chăm sóc, hiện nay vợ chồng bà Sâm - ông Khèn đã sở hữu 2 con bò.

Còn ông Khèn – chồng bà Sâm thì lại có niềm vui khác. Túp lều vách đất rộng chưa đầy 30m2 không đủ che mưa, che nắng cho vợ con từng khiến ông xấu hổ bao năm. Bây giờ ông tự hào với căn nhà mới xây kiên cố, gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng khách được hoàn thiện với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thanh Chăn hỗ trợ 20 triệu đồng, số tiền còn lại là gia đình tích lũy và nhờ người thân, bà con trong bản hỗ trợ, giúp đỡ ngày công. Từ ngày có nhà mới, mỗi khi người trong bản qua ngõ, ông Khèn đều tự tin mời vào chơi.

Nhắc đến anh Thuấn với sự trìu mến và đầy tin tưởng, ông Khèn bảo: “Gia đình tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Trực tiếp, cụ thể là có anh Thuấn dẫn đường, chỉ lối. Nếu không, chẳng biết chúng tôi luẩn quẩn với cái nghèo đến bao giờ!”. Nói vậy, bởi theo ông Khèn thì anh Thuấn không chỉ kết nối cho bò giống, làm nhà, mà còn giúp các thành viên trong gia đình tìm kiếm việc làm phù hợp, tạo thu nhập ổn định.

Trước khi nhận nhiệm vụ hỗ trợ gia đình ông Khèn, bà Sâm, đảng viên Nông Văn Thuấn đã trăn trở nhiều ngày. Thời gian sau đó, cứ ngày lo việc tổ chức, hết giờ anh lại về nhà ông Khèn. Lúc đầu chưa hiểu nên vợ anh không thông cảm, thường cằn nhằn, giận dỗi khi chồng về muộn; thậm chí lớn tiếng bảo anh việc nhà không lo lại đi lo nhà khác. Anh giải thích cho vợ hiểu, nhà mình con đã lớn, kinh tế cũng ổn nên không phải lo nhiều. Có người cần thì mình giúp, vừa không mất gì lại được tình làng nghĩa xóm. Chưa kể, đây còn là nhiệm vụ, trách nhiệm của một đảng viên. Rồi vợ anh cũng hiểu, thậm chí chia sẻ, hỗ trợ chồng tích cực.

Gần gũi, tâm sự nhiều đã giúp anh Thuấn hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng và cả “cái khó” của vợ chồng ông Khèn để có sự giúp đỡ phù hợp. Cả 2 ông bà đều gần như “mù chữ”, thiếu kiến thức phát triển kinh tế lại không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên nhiều năm trong danh sách hộ nghèo. Xác định nguyên nhân cốt lõi là do thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, anh Thuấn đã mượn sách, tài liệu, xem tivi các chương trình về kiến thức nhà nông để hướng dẫn ông Khèn nghiên cứu, học hỏi. Tiếp đó, anh Thuấn vận động gia đình ông Khèn trồng rau ở đất trống quanh nhà, trước là phục vụ nhu cầu, dư thì đem bán, tăng thu nhập. Một phần diện tích khác tận dụng để trồng cỏ voi, chủ động nguồn thức ăn cho bò. Với hai người con trai của ông Khèn, anh Thuấn thường xuyên gặp gỡ, động viên tham gia lớp đào tạo nghề, đồng thời định hướng nghề phù hợp.

Với sự hỗ trợ của anh Thuấn, hết năm 2022, gia đình ông Khèn chính thức thoát nghèo. Mới đây, cũng nhờ anh Thuấn giới thiệu, ông Khèn đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách để phát triển chăn nuôi.

Xác định địa chỉ, phần việc cụ thể

Bản Pom Mỏ Thổ có 68 hộ, 276 nhân khẩu thuộc 10 dân tộc như: Tày, Nùng, Khơ Me, Kinh, Thái... Cùng với sự đa dạng về sắc màu văn hóa là thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là triển khai các chương trình, dự án, chính sách…

Ông Ngọc Văn Dương, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pom Mỏ Thổ cho biết: Trước khi thực hiện chủ trương phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, Chi bộ đã thực hiện cuộc tổng rà soát trong cả bản. Từ đó phân tích, tìm ra nguyên nhân và chia từng nhóm khác nhau. Có nhóm nghèo do thiếu tư liệu sản xuất, thiếu đất, thiếu kiến thức, thiếu vốn; có nhóm do già yếu, bệnh tật, neo người. Song cũng có trường hợp trông chờ, ỷ lại. Từ những nhóm phân chia, Chi bộ lựa chọn hộ có tiềm năng thoát nghèo để tập trung hỗ trợ. Mỗi  hộ nghèo trong bản đều có từ 1 – 2 đảng viên đồng hành. Trong đó bố trí 1 đảng viên là họ hàng hoặc người thân thiết với gia đình để dễ tiếp cận, trao đổi, giúp đỡ. Ngoài ra, dựa vào tình hình thực tế Chi bộ tổ chức thảo luận, ra nghị quyết và phân công đảng viên phụ trách các hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực công tác và sức khỏe.

Đảng viên thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với hộ nghèo được giao phụ trách để tìm hướng hỗ trợ phù hợp.

“Những năm qua, với các nguồn lực hỗ trợ thì số hộ nghèo trong bản đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chưa thể thoát nghèo. Những trường hợp này đều có hoàn cảnh đặc biệt, lười lao động, ỷ lại. Giúp họ xóa nghèo là việc làm vô cùng khó, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ mỗi đảng viên được giao phụ trách” -  ông Ngọc Văn Dương cho biết.

Nhiệm vụ đầu tiên của mỗi đảng viên là vận động hộ nghèo tự nguyện thoát nghèo và cam kết, đồng hành cùng họ. Trên cơ sở khảo sát ban đầu, đảng viên xây dựng kế hoạch giúp đỡ, lựa chọn những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp, như: Hỗ trợ công cụ, phương tiện, vật tư sản xuất, cây con giống; vay vốn; kết nối xin vật tư, vật liệu xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt; hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; tư vấn học nghề; sửa chữa, cải thiện nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội về giảm nghèo (tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục, y tế, pháp lý...).

Sau hơn 1 năm thực hiện phân công đảng viên phụ trách hộ nghèo, giao địa chỉ, phần việc cụ thể thì bản Pom Mỏ Thổ đã giảm được 2 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Số giảm nghèo chưa lớn song theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền địa phương đó là bước đột phá đối với bản còn rất nhiều khó khăn như Pom Mỏ Thổ. Hơn thế, cái được lớn nhất đó là niềm tin của bà con với Đảng thông qua hình ảnh của mỗi đảng viên ở đây ngày càng trở nên son sắt!

Bài 2: Chuyện lạ ở bản “siêu nghèo”

Hà Linh - Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top